Không ai có thể phủ nhận, nhân quyền là một thành quả của quá trình phát triển nhận thức lâu dài trong lịch sử nhân loại, là một giá trị mà mọi dân tộc văn minh đều hướng tới. Tuy nhiên, khi nhân quyền được sử dụng như một chiêu bài để phục vụ mưu đồ thiếu lành mạnh, thì bản chất nhân quyền bị xâm phạm, và bóp méo. Bàn về một số sự kiện liên quan đến nhân quyền mà một số tổ chức, cá nhân đã dựng lên để vu cáo Việt Nam, từ nước Mỹ, tác giả Amari Tx gửi tới Báo Nhân Dân bài Bảo vệ quyền con người là tôn trọng phẩm giá dân tộc. Xin giới thiệu cùng bạn đọc…
Ngày 24-9-2012, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải vì phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và ba người này đã phải chịu hình phạt thích đáng từ những việc làm sai trái của họ. Lập tức, một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không có thiện cảm với Chính phủ Việt Nam và các nhóm CCCÐ (chống cộng cực đoan) là người Việt ở nước ngoài đã xuyên tạc, bóp méo, vu khống Nhà nước Việt Nam không tôn trọng “quyền làm người của người dân trong nước” và “quyền tự do ngôn luận”… Trên website của “mõ làng RFA” ngày 26-9-2012 còn đăng bài trả lời phỏng vấn ông Phil Robertson – Phó Giám đốc khu vực châu Á Tổ chức theo dõi nhân quyền, với nội dung rất thiếu khách quan: “Tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang thụt lùi nhanh chóng và nó sẽ cản trở con đường tiến vào Hội đồng Nhân quyền LHQ”. Rồi với chiến thuật “nội công ngoại kích”, một số phần tử “có vấn đề” trong nước đã có các phát ngôn, bài viết phát tán trên các mạng điện tử hòa giọng cùng với các thế lực phản động ở nước ngoài để công kích, kêu gọi “cần có biện pháp cấp thời” đối với Việt Nam qua chiêu bài quen thuộc của họ là vấn đề nhân quyền!
Thực ra họ có hiểu thấu đáo vấn đề họ đang kêu gào, có hiểu nội hàm của quyền con người là gì, hay họ cố tình đánh lận con đen trong khái niệm này? Xin thưa với các vị, về mặt học thuật, cho đến nay nhân quyền vẫn được hiểu trên hai bình diện là giá trị đạo đức và giá trị pháp lý. Về đạo đức, nhân quyền là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Ðó là nhân phẩm, tự do, bình đẳng, và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Về pháp lý, các quy định của luật pháp để giữ vững an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, tạo điều kiện để mọi người được phát triển, chính là cơ sở bảo đảm cho nhân quyền được thực thi. Rất tiếc, một số người lại cố tình không hiểu vấn đề này và họ đã vi phạm những quy định của pháp luật về quyền con người. Những vụ án vi phạm an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội được xét xử ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy tình trạng một số người đã lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để làm những việc phi pháp. Nhân đó, các thế lực CCCÐ đã kích động, lôi kéo một số phần tử không đặt quyền lợi của nhân dân lên trên quyền lợi của bản thân mình, để gây rối xã hội.
Trả lời câu hỏi của BBC trong buổi họp báo hôm 31-5-2012 tại Malaysia, nơi ông đến thăm trước khi sang Singapore dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á, Thượng nghị sỹ McCain đã nói về bước tiến trong quan hệ Việt – Mỹ: “Thông điệp của tôi về Việt Nam là chúng ta đã đạt những tiến bộ lớn. Chúng tôi tự hào đã hàn gắn những vết thương của cuộc chiến ghê gớm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ chỉ trừ cuộc nội chiến của chúng tôi… Quan hệ của chúng tôi với Việt Nam là tuyệt vời. Có nhiều đầu tư của Hoa Kỳ ở đó”. Về vấn đề nhân quyền, Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng: “Chúng tôi mong đợi tiến bộ chứ không phải là thay đổi tức thì”. Cũng trong họp báo, ông McCain còn nói: “Thực tế là chúng tôi tin rằng quan hệ của chúng tôi là gần gũi và có thể gần gũi hơn”. Tuy nhiên, vì không hiểu rõ hay cố tình không hiểu rõ nội hàm của khái niệm quyền con người, nên những người thiếu thiện chí với Việt Nam đã đi tới thái độ cực đoan một cách mù quáng, làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của nhân quyền, từ đó có phát ngôn và việc làm đối lập với nhân quyền, xâm hại nhân quyền, như vụ “ó đen” Lý Tống tấn công ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng, vụ biểu tình chống ca sĩ Hồng Vân… ở Mỹ gần đây.
Quyền con người là một khái niệm chính trị – pháp lý và dù đến nay vẫn còn tranh cãi, thì không có nghĩa ai muốn hiểu khái niệm này như thế nào cũng được, đặc biệt là không thể xuyên tạc. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng đã đồng thuận về khái niệm này dựa trên các văn kiện cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người. Ðó là Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948; hai Công ước Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Tuyên bố Viên và Chương trình hành động – văn kiện của Hội nghị nhân quyền thế giới ở Viên (Áo), năm 1993. Về quyền của các quốc gia – dân tộc, Công ước trên quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa…”. Hội nghị nhân quyền thế giới ở Viên (Áo) năm 1993, khẳng định việc “khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện có hiệu quả quyền này”. Ðiều đó có nghĩa là các dân tộc có quyền tự do lựa chọn, xây dựng chế độ chính trị như thế nào là quyền của các quốc gia – dân tộc đó. Không có bất cứ một tổ chức, một quốc gia, thậm chí là Liên hợp quốc có quyền can thiệp. Ấy vậy mà các cá nhân và tổ chức thù địch với Việt Nam cùng những nhân vật CCCÐ ở nước ngoài lại tự cho mình cái quyền phán xét thể chế chính trị tại Việt Nam, điều đó tự nói lên sự ấu trĩ trong nhận thức của họ!
Chế độ dân chủ cộng hòa, nay là cộng hòa xã hội chủ nghĩa, ở Việt Nam ra đời từ sau Cách mạng Tháng 8-1945, do Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giành lại độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ thuộc địa, phong kiến kéo dài hàng trăm năm. Chế độ đó được bảo vệ và củng cố bằng xương máu, sức lực của cả dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống lại những đế quốc hung bạo nhất thế kỷ. Thành quả của các cuộc đấu tranh với bao nhiêu hy sinh, mất mát kéo dài hơn một nửa thế kỷ đó được ghi nhận trong Hiến pháp. Ở Việt Nam hiện nay, còn có một số ít người nhận thức lệch lạc về quyền công dân và quyền con người, các tổ chức phản động lưu vong CCCÐ lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó để xúc xiểm, thêm dầu vào lửa nhằm trục lợi mưu đồ chính trị. Thử hỏi, đối với lợi ích quốc gia, phẩm giá của dân tộc thì các vị đã làm được những gì? Hay là các vị vẫn “sống chết mặc bay”, không góp sức cùng dân tộc, mà trái lại là về hùa với ngoại bang “cõng rắn cắn gà nhà”? Ðể đạt mục đích xóa bỏ chế độ xã hội XHCN Việt Nam, các thế lực CCCÐ câu kết với các tổ chức thù hằn với Việt Nam luôn cố tình xuyên tạc vấn đề quyền con người, đồng thời áp đặt quan điểm dân chủ, nhân quyền của họ cho Việt Nam. Họ kêu gọi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, lập hội đoàn trái pháp luật,… nghĩa là loại bỏ sự quản lý của Nhà nước, làm rối loạn xã hội. Không phủ nhận rằng xã hội Việt Nam hiện còn gặp nhiều vấn đề như nhiều quốc gia khác, thậm chí có vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết, song để giải quyết những vấn đề đó, cần phải dựa trên các nguyên tắc chính trị, tư tưởng đúng đắn và nguyên tắc quản lý của nhà nước pháp quyền, chứ không là việc tuyên truyền các quan điểm cá nhân thực chất là phỉ báng, bôi nhọ, chống phá chế độ xã hội.
Về quan hệ giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế, đến nay các công ước quốc tế về quyền con người không chỉ có những quyền tuyệt đối mà còn có những quyền bị hạn chế (trong đó có quyền tự do ngôn luận) đủ sự mềm dẻo để cho các quốc gia, dân tộc vận dụng vào hoàn cảnh đặc thù của mình. Luật quốc tế về quyền con người không phải là những quy định pháp luật trực tiếp áp đặt cho các quốc gia – dân tộc. Ðơn giản vì thế giới không phải một quốc gia, Liên hợp quốc không là “chính phủ trung ương”, và các quốc gia không phải là “chính quyền địa phương”. Tương tự như thế, pháp luật của mỗi quốc gia là ý chí của cả dân tộc. Tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền của quốc gia là nguyên tắc hàng đầu của Liên hợp quốc. Nền dân chủ Việt Nam vẫn đang trên đường phát triển và hoàn thiện. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và của toàn dân. Ðối với Việt Nam, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, gắn liền với chế độ xã hội là giá trị cao nhất của dân tộc. Từ nước ngoài nhìn về Tổ quốc, chúng tôi thấy ở Việt Nam, việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản về quyền con người đã trở thành mục đích và hành động của Ðảng và Nhà nước, và chúng tôi hiểu đó không chỉ là nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn là để bảo vệ phẩm giá của dân tộc.
AMARI TX
Houston (Hoa Kỳ) – tháng 10-2012
Bình luận mới nhất