Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do trong hoạt động báo chí
Lâu nay câu chuyện về tự do báo chí, quyền tự do báo chí đã và đang được đề cập và tranh luận khá nhiều. Đặc biệt, mới đây khi một tờ báo của Mỹ là New York Times đã đăng tải một bài viết được cho là của nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên với tiêu đề “Tự do báo chí: Không còn cách nào khác” thì vấn đề này lại càng thu hút được sự chú ý. Thậm chí, một số ý kiến còn khẳng định rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí. Vậy để hiểu rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần hiểu về quyền tự do báo chí cho phù hợp.
Tự do hiểu theo nghĩa thông thường là cái mình muốn mà hợp quy luật. Quyền tự do là quyền con người không bị hạn chế, cấm đoán một cách vô lý. Quốc gia nào cũng có các quy định để điều chỉnh hành vi của con người bởi xã hội luôn vận động, phát triển và có vô vàn những quy luật con người không thể nhận thức hết được. Vì vậy, cần phải có những quy định để con người hiểu trong lĩnh vực nào mình được làm gì và không để ảnh hưởng tới người khác.
Như vậy, quyền tự do báo chí có thể hiểu là quyền hoạt động báo chí mà không bị nhà nước cấm đoán một cách vô lý. Quyền tự do báo chí phụ thuộc vào đặc thù kinh tế xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc vì thế quyền tự do báo chí không thể giống nhau giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia có đặc thù riêng vì thế nó phải phù hợp với các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng ở quốc gia đó. Báo chí không thể sinh ra từ một cơ sở hạ tầng và vượt qua các thành tố khác của kiến trúc thượng tầng. Vì thế tự do báo chí không phải là quyền được nói tất cả mà nó phải phù hợp với các thành tố khác của kiến trúc thượng tầng của quốc gia đó. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin: Tự do báo chí là mục tiêu phấn đấu của con người nhằm giành cho mình quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình một cách công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng, không hề bị một sự lệ thuộc, một sự hạn chế nào.
Báo chí là lĩnh vực thuộc hình thái ý thức xã hội và mang tính giai cấp rất rõ nét. Khi xã hội còn phân chia thành các giai cấp có quyền lợi khác nhau, thậm chí đối lập nhau, thì báo chí khó có thể thoát ly tính giai cấp, khó có tự do tuyệt đối. Bởi, nếu có tự do báo chí cho giai cấp này tất yếu phải hạn chế tự do báo chí với các giai cấp khác. Trong xã hội có giai cấp, tồn tại nhiều giai cấp khác nhau, với sự khác biệt về lợi ích thì cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là cuộc đấu tranh phức tạp, quyết liệt và lâu dài. Báo chí là một loại hình hoạt động chính trị xã hội. Khi tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ xã hội, can thiệp vào quá trình vận động của xã hội, báo chí không chỉ liên quan đến các giai cấp trong xã hội mà còn mang tính chất giai cấp. Nó trực tiếp phản ánh quyền lợi và đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của một giai cấp nhất định. Do đó, không thể có tự do báo chí một cách tuyệt đối. Báo chí là công cụ của giai cấp thống trị, của chính Đảng cầm quyền, do đó báo chí phải phục vụ, bảo vệ cho lợi ích của giai cấp thống trị, chính đảng cầm quyền. Không thể có báo chí phi giai cấp.
Tự do báo chí là quyền của con người được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc, được quy định trong Hiến pháp của các quốc gia. Tuy nhiên, không thể có tự do báo chí cũng như quyền tự do báo chí tuyệt đối. Xin nhắc lại rằng, quyền tự do báo chí phụ thuộc vào đặc thù kinh tế xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc vì thế quyền tự do báo chí không thể giống nhau giữa các quốc gia, nó phải phù hợp với các yếu tố khác thuộc kiến trúc thượng tầng của quốc gia đó. Không thể có tự do báo chí tuyệt đối. Và cũng không thể lấy báo chí tư nhân để làm thước đo cho tự do báo chí ở các quốc gia.
Nam Phong
Theo: blogspot.co.uk
Bình luận mới nhất